Bắt Đầu Từ Cái Rắc Rối Của Chính Tôi
Chuyện bắt đầu khi tôi nhận lớp dạy tiếng Anh mầm non đầu tiên. Nghe thì vui phết, nghĩ mình có kiến thức là dạy ngon lành rồi. Lầm to rồi!

Vào dạy buổi đầu, tôi giảng như cho sinh viên đại học. Mấy đứa nhỏ ngồi trơ mặt ra, đứa thì ngáp, đứa khóc đòi mẹ, đứa chạy lung tung cả lớp. Tôi đứng hình luôn. Nghĩ lại lúc đó đúng là thảm họa. Mình chẳng biết cách làm sao để tụi nhỏ tập trung, cách nói chuyện với chúng cũng như đối với người lớn thì chết rồi.
Quyết Định Đi Học Chứng Chỉ
Xong cái vụ đó, tôi ngồi tự vấn. Kiểu, mình dạy cả sinh viên mà sao lại thua mấy em nhỏ? Thế là lên mạng tìm hiểu, đào bới xem người ta dạy trẻ con như thế nào. Mới vỡ lẽ ra, có cả mớ thứ mình chưa biết.
- Không chỉ đứng lớp nói như máy là xong.
- Phải biết cách tạo không khí vui chơi học tập.
- Hiểu tâm lý từng độ tuổi.
- Biết làm sao khi bé nhút nhát, hay bé quậy phá.
Thế là tôi quyết tâm đăng ký một khóa học chứng chỉ dạy tiếng Anh cho trẻ em. Lúc đầu nghe chữ “chứng chỉ” cứ nghĩ là học cái bằng cho có, tốn tiền vô ích. Mà thôi, thử xem sao.
Vật Lộn Trên Lớp Học Chứng Chỉ
Ngày đầu tiên đi học chứng chỉ, tôi cứ nghĩ sẽ toàn lý thuyết cao siêu. Ai ngờ… Họ bắt tôi chơi đùa! Tôi – một ông giáo nghiêm túc – phải học cách hát bài “Hello Hello” với động tác tay chân ngô nghê, tập làm con rối bằng tất, học cách nhảy múa như người trong rạp xiếc. Lúc đó nghĩ sao mà vớ vẩn thế!
Chưa hết, học cách quản lý lớp. Mấy cô giảng viên đóng vai học sinh nghịch ngợm bất trị, làm khó học viên chúng tôi. Tôi bối rối chẳng biết xử lý thế nào, cứ đứng la hét “Im lặng! Im lặng!” nhưng chẳng có tác dụng gì. Giảng viên cười, bảo “Thế này mà áp dụng ở lớp mẫu giáo là mất trật tự ngay từ đầu giờ đấy”.

Luyện Thi “Cực Khổ”
Rồi đến kỳ thi. Trời ơi, áp lực kinh khủng. Không phải chỉ thi viết đâu! Tôi phải tự soạn một giáo án chi tiết, rồi đứng dạy… giả một lớp học có toàn giám khảo đóng vai học sinh trẻ con.
Tôi nhớ như in cái hôm tập giảng cho vợ tôi coi. Thằng con nhỏ 3 tuổi nhà tôi chạy vào phòng, thấy bố làm trò, nó cười ngặt nghẽo. Tôi xấu hổ đỏ mặt, nhưng cũng nhận ra nếu làm cho nó cười được, nghĩa là có thể làm học sinh cười được.
Ôn tập vất vả vô cùng. Ngày nào tôi cũng bật bài hát tiếng Anh thiếu nhi, tập dẫn trò chơi, tập kể chuyện sao cho sinh động, sử dụng đồ chơi, thẻ hình. Người nhà nhìn tôi như kẻ lập dị!
Cái Được Sau Khi Cầm Chứng Chỉ
Thi đậu, cầm cái chứng chỉ mà tay run run. Nhưng quan trọng không phải là tờ giấy đó.
- Tôi thực sự tự tin khi bước vào lớp trẻ con.
- Biết tổ chức lớp học vui vẻ, có trật tự.
- Biết cách truyền tải kiến thức khô khan thành trò chơi thú vị.
- Hiểu cách xử lý các tình huống khóc lóc, bắt nạt bạn, không chịu học.
- Thậm chí, biết cách trao đổi với phụ huynh sao cho họ tin tưởng.
Nhìn lũ trẻ hào hứng học, chơi và tiến bộ từng ngày, tôi mới thấy quyết định đi học chứng chỉ đó đúng đắn cỡ nào. Cái vất vả ngồi tập làm rối, nhảy múa như diễn viên hài, hay vật vã ôn thi… giờ nhận về giá trị gấp trăm lần. Giờ nhìn lại chặng đường đi học, đúng là thêm một món đầu tư không thể bỏ qua cho bất cứ ai muốn dạy tốt cho trẻ!

Leave a Comment